Ngày 23/1, RFA Tiếng Việt cho hay “Những lần Tô Lâm lấn quyền Lương Cường”.
Theo đó, RFA đặt vấn đề: Thông tin bạn cần biết là gì?
Tổng Bí thư Tô Lâm đã liên tiếp lấn quyền của Chủ tịch nước Lương Cường, thực hiện các công việc và chức năng, nhẽ ra thuộc về thẩm quyền của Phủ Chủ tịch, theo quy định của Hiến pháp.
Ông Tô Lâm ít nhất đã 3 lần lấn sân, thực hiện chức năng đáng nhẽ ra phải thuộc về ông Lương Cường.
RFA đề cập đến lần ông Tô Lâm lấn quyền gần nhất, là lần trao Huân chương Sao Vàng.
Cụ thể, ngày 20/1/2025, Thông Tấn xã Việt Nam đưa tin, cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, và nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh được trao Huân chương Sao Vàng.
Điều ngạc nhiên là Tổng Bí thư Tô Lâm mới là người trao Huân chương, chứ không phải Chủ tịch nước Lương Cường.
RFA giải thích, Huân chương Sao Vàng là Huân chương cao quý nhất của nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, theo quy định, người đứng đầu nhà nước mới có thẩm quyền trao tặng. Trong trường hợp này là Chủ tịch nước Lương Cường.
Trong các bức hình về buổi trao Huân chương, được báo Nhân Dân đăng tải, ông Lương Cường xuất hiện dưới hàng ghế khán giả.
RFA liệt kê lần thứ 2 ông Tô Lâm lấn quyền ông Lương Cường, chính là lần điện đàm với ông Tập Cận Bình, vào ngày 15/1.
RFA dẫn tin từ báo Chính phủ, cho hay, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với ông Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Trung Quốc. Cuộc điện đàm này diễn ra nhân dịp Việt Nam và Trung Quốc kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Việc Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam điện đàm với người đứng đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc (ông Tập Cận Bình vừa là Chủ tịch nước vừa là Tổng Bí thư của Trung Quốc), là chuyện bình thường.
Tuy nhiên, theo RFA, Hiến pháp Việt Nam quy định, Chủ tịch nước là “người đứng đầu nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại”.
Do vậy, trong bối cảnh nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa kỷ niệm việc thiết lập quan hệ, theo Hiến pháp, Chủ tịch nước Lương Cường mới là người phù hợp để thực hiện cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc.
Vẫn theo RFA, lần đầu tiên ông Tô Lâm lấn quyền ông Lương Cường, sau khi đã thôi chức vụ Chủ tịch nước, là chuyến thăm và nâng cấp quan hệ ngoại giao với Malaysia.
RFA cho biết, vào tháng 11/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có chuyến thăm chính thức tới Malaysia, và được Thủ tướng nước này đón tiếp.
Truyền thông trong nước đã khéo léo không gọi chuyến thăm của ông Tô Lâm là chuyến thăm cấp nhà nước, để tránh biến ông trở thành người đại diện nhà nước Việt Nam, vì trên thực tế, người đại diện cho nhà nước Việt Nam phải là Chủ tịch nước Lương Cường.
Tuy nhiên, RFA nhận xét, ông Tô Lâm đã việt vị khi đưa ra tuyên bố chung với Thủ tướng Malaysia, về việc nâng cấp quan hệ ngoại giao giữa nhà nước Việt Nam và nhà nước Malaysia, lên mức Đối tác chiến lược toàn diện.
Đây vốn là thẩm quyền của Chủ tịch nước Lương Cường, vì ông mới là người đại diện cho nhà nước Việt Nam trong đối ngoại.
RFA tiếp tục nêu vấn đề: Tại sao bạn nên biết thông tin này?
Các lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam gồm 4 vị trí, thường được biết tới với tên “Tứ trụ”, trong đó có Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước, và Chủ tịch Quốc hội. Bốn vị trí được phân chia vai trò và quyền lực rõ ràng. Nhưng kể từ khi lên làm Tổng Bí thư, ông Tô Lâm đã nhiều lần vượt ra khỏi thẩm quyền của mình. Điều này cho thấy sức ảnh hưởng to lớn của vị đảng trưởng trong nền chính trị Việt Nam.
Thu Phương – thoibao.de